Tìm hướng phát triển cây sâm Ngọc Linh

Viện Dược liệu (Bộ Y tế) vừa nghiên cứu trồng thành công cây sâm Ngọc Linh trên vùng núi Tam Đảo. Điều này giúp cho bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh thành cây trồng kinh tế.
Sâm Ngọc Linh là một sản phẩm thảo mộc quí hiếm ở Việt Nam, thường mọc ở độ cao 1.200m – 1.5000m so với mặt biển. Sâm Ngọc Linh có chất lượng tương đương với sâm Cao Ly của Hàn Quốc.
Sâm Ngọc Linh được đồng bào dân tộc thiểu số dùng như một loại thuốc cầm máu, làm lành vết thương, làm thuốc bổ, trị sốt rét,… Theo các nghiên cứu khoa học, sâm Ngọc Linh có tác dụng chống trầm cảm, kích thích hệ miễn dịch, chống lão hóa, phòng chống ung thư, bảo vệ tế bào gan, tăng thị lực, sức đề kháng, nâng cao huyết áp ở người bị huyết áp thấp…
Chính vì vậy giá mỗi kg sâm Ngọc Linh tươi lên đến 9-10 triệu đồng đối với sâm trồng, còn sâm mọc tự nhiên cao gấp 3 lần, nhưng cũng khó mua được.
Đầu năm 2009, Viện Dược liệu đã mạnh dạn di thực khoảng 1.000 cây sâm Ngọc Linh về trồng tại Trạm nghiên cứu trồng cây thuốc Tam Đảo và đỉnh núi Thiên Thị – điểm cao nhất của đỉnh núi Tam Đảo. Sau hơn 1 năm di thực đến vùng đất mới, cây sâm sinh trưởng và phát triển khá tốt, tỷ lệ sống cao.
Việc di thực thành công cây sâm quý hiếm Ngọc Linh về vùng núi Tam Đảo mở ra một hướng phát triển kinh tế mới góp phần cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho một bộ phận người dân sống ở vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa của huyện Tam Đảo.
Trước kia sâm Ngọc Linh chỉ được tìm thấy tại một số huyện miền núi Ngọc Linh thuộc huyện Đắk Tô (Kon Tum), huyện Trà My (Quảng Nam).
Mấy năm gần đây, sâm bắt đầu được trồng ở một số huyện của tỉnh Quảng Nam và cho kết quả khá khả quan. Tỉnh Quảng Nam cũng sẽ nhân rộng diện tích trồng cây sâm Ngọc Linh nhằm xóa đói giảm nghèo cho đồng bào vùng núi cao.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *